Giờ tôi đang tính trồng thêm các loại cây ăn quả như cà chua, chanh, ớt, đậu bắp, mướp, bí, khổ hoa, dưa leo... để có vườn rau nhiều loại, bữa ăn của gia đình thêm phong phú.
Nếu tận mắt nhìn thấy vườn rau với những ống trụ dựng đứng, bao phủ xung quanh là các loại cây rau xanh mướt, tươi tốt của anh Sơn, bạn sẽ tin rằng “không gì là không thể”.
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn nạn của cả xã hội. Chính vì vậy mà mỗi bữa ăn là một bữa lo của chị em nội trợ, đặc biệt là các gia đình ở thành phố, đất ở đã hiếm huống chi là đất trồng rau.
Rất nhiều gia đình đã tận dụng khoảng không gian nhỏ ở ban công hoặc sân thượng để trồng tự trồng cho mình những thùng rau sạch, đảm bảo an toàn. Thế nhưng, diện tích nhỏ thì trồng được ít, mà rau thì ngày nào cũng phải có mặt trong bữa ăn. Vậy làm sao để trồng được thật nhiều rau trong không gian nhỏ hẹp của gia đình?
Đó là điều thực sự khó, nhưng có một ông bố trẻ ở TP. HCM đã làm được điều đó, thậm chí anh còn hoàn thành một cách xuất sắc, gây dựng được khu vườn theo mô hình khí canh trên diện tích chỉ vỏn vẹn có 10m² trên sân thượng thu hoạch cả tạ rau chỉ sau gần một tháng gieo trồng. Kết quả thật nằm ngoài sức tưởng tượng.
Nếu bạn không tin hãy theo chân chúng tôi đến nhà anh Trương Bình Sơn ở Lê Thị Hồng, Phường 17, Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh để tận mắt nhìn thấy vườn rau “trong mơ” này.
Chân dung ông bố trẻ đầy tình yêu với vườn tược Trương Bình Sơn.
|
Xin chào anh Sơn, anh có thể giới thiệu đôi chút về bản thân, và động lực nào giúp anh quyết tâm làm một vườn rau khí canh tuyệt vời như thế này?
- Tôi là Trương Bình Sơn, từng là nhân viên lập trình và hiện tại đang kinh doanh cây cảnh. Không chỉ riêng tôi mà hầu như tất cả mọi người đều lo lắng về vấn đề an toàn thực phẩm. Từ khi cưới vợ và chuẩn bị đón con gái đầu lòng tôi đã bắt đầu nung nấu ý định trồng một vườn rau sạch để đảm bảo nguồn cung cấp rau an toàn cho cả nhà.
Đây là thành quả cho những tháng ngày miệt mài tìm tòi, học hỏi của anh Bình Sơn.
|
Sân thượng nhà tôi cũng không được rộng lắm, chỉ có 27m² (dài 9m, rộng 3m), lại thêm nhiều chức năng trong khoảng sàn hạn chế nên tôi quyết định chọn mô hình khí canh của NASA (Mỹ) và điều chỉnh lại cho phù hợp với điều kiện nhà phố, nhà ống và túi tiền của mình để thực hiện.
Với từng đó không gian trên sân thượng, tôi chỉ sử dụng khoảng 10m² để trồng rau. Tuy mới trồng được gần 6 tháng nhưng từ đó đến này, vườn rau “nhỏ mà có võ” này luôn xanh tốt, đảm bảo gia đình lúc nào cũng thừa rau ăn.
Trồng rau theo phương pháp khí canh là mô hình mới lạ, chưa nhiều người làm được, vậy anh có gặp khó khăn gì trong quá trình gây dựng khu vườn này không?
- Khi tôi đăng tải hình ảnh phương pháp trồng rau này lên mạng, nhiều người tò mò và xin chia sẻ kinh nghiệm làm. Quả thực, ban đầu khi tìm hiểu và thực hiện theo mô hình này, tôi đã gặp phải không ít khó khăn. Tất cả đều chỉ là mô phỏng, phải “chế” và do nguồn vốn eo hẹp nên... cái khó ló cái khôn.
Tôi tính nếu thuê người làm nhà lưới sân thượng khoảng 9m² để tránh sâu, chim phá rau hay giàn leo cho cây cũng tốn ít nhất là 15 triệu. Nên tôi kết hợp luôn giàn leo và lưới vào hệ thống, vừa gọn nhẹ tiện lợi mà lại chỉ tốn có 300 ngàn đồng/bộ. Như bạn thấy đấy, giàn được gắn rất chắc chắn vào hệ thống trụ, bao nhiêu trận mưa gió và áp thấp nhiệt đới nhưng có sập được đâu.
Vậy anh có thể cho biết cơ chế hoạt động của các trụ khí canh này như thế nào?
- Đối với phương pháp trồng rau bằng hệ thống khí canh, rễ cây rau được nằm hoàn toàn trong không khí nên hấp thụ oxi và dinh dưỡng tốt hơn. Bởi vì bộ rễ được cố định trên không trung nên được “thở thoải mái”. Bên cạnh đó, dung dịch dinh dưỡng được bơm hẹn giờ từ bồn dung dịch bên dưới lên đài sen trên đỉnh nên bộ rễ sẽ có nhiệt độ thấp hơn so với môi trường và thân. Vì vậy, cây sẽ phát triển nhanh chóng hơn so với các phương pháp khác.
Dung dịch dinh dưỡng được bơm tuần hoàn từ dưới thùng lên đài sen để cung cấp dinh dưỡng cho rễ và rớt lại về thùng qua bộ lọc cặn, tiết kiệm được một lượng lớn nước tưới và chất dinh dưỡng. Cũng có thể gọi là thủy canh trụ đứng hồi lưu.
Thực ra là tôi cũng bận bịu công việc kinh doanh, không có nhiều thời gian nhưng vẫn muốn có rau sạch ăn nên tôi quyết định dùng thử phương pháp này. Không ngờ nó lại hiệu quả đến vậy. Ưu điểm của mô hình khí canh này là không dùng đất, xơ dừa và đặc biệt là không phải tưới hàng ngày gây bẩn sàn và ẩm.
Anh còn tận dụng cả chai nhựa bỏ đi để trồng hành.
|
Sau khi cho cây con vào hốc của từng trụ thì hệ thống “tự thân vận động”, tôi chẳng cần phải bận tâm về các vấn đề thời tiết như mưa, nắng, gió, bão, hay việc chăm bón, tưới tiêu, bón phân, cải tạo đất, sâu bướm, chim, nhổ cỏ, vệ sinh...
Mà theo như tôi tìm hiểu thì theo nghiên cứu của các trường Đại học, làm vườn theo mô hình này có thể trồng được tất cả các loại cây thân thảo. Vì vậy, dù thời tiết TP.Hồ Chí Minh khá nắng nóng nhưng tôi vẫn trồng được su hào, củ cải, cà rốt...
Chi phí lắp đặt vườn rau theo mô hình khí canh này là như nào?
- Chi phí ban đầu không nhiều lắm đâu, vật liệu đều là do tự tay tôi mua về làm với chi phí khoảng 2 triệu cho 1 trụ, trong khoảng sân 10m2 tôi làm 10 trụ, thêm 1 triệu tiền mua máy hẹn thời gian, bút đo TDS, PH, EC, dây điện, ổ cắm.
Vật liệu để làm trụ rau không hề đắt.
|
Tiền điện mỗi tháng cho 1 trụ là xấp xỉ 15.000đ, tiền dung dịch khoáng tự pha 50.000đ/trụ/ tháng. Khi mất điện, tôi thường chuyển qua máy phát điện mini.
Còn về khâu ươm giống, chăm sóc, diệt trừ sâu bệnh thì anh làm như thế nào?
- Khi lắp đặt hệ thống, tôi đã dùng van phao tự động để thêm lượng nước bị hao hụt. Nên việc chăm sóc cũng khá nhàn, gần như không phải động chân động tay vào nhiều.
Cây giống trước khi được đưa lên các trụ trồng.
|
Còn dung dịch thủy canh, trước đây tôi hay mua của một số công ty uy tín trên thị trường nhưng giờ tôi tự mua muối khoáng tinh khiết về pha theo công thức của Keith roberto . Mỗi trụ khí canh có diện tích 0,5x0,8m nên mỗi m2 tôi đặt được 1 trụ. Mỗi trụ có chiều cao gần 1,9 m với 56 hốc trồng cây.
Sâu bệnh thì cũng ít vì đã có giàn lưới che chắn cẩn thận những loại cây hay bị sâu. Tuy nhiên chưa tránh được nấm do sương và không khí, tôi đang tính dùng bạt ni lông may vào lưới che bên trên giàn leo. Nếu có lớp bạt phía trên thì sương sớm không ảnh hưởng đến rau được và cũng tránh được cả mưa, tác nhân gây bệnh nấm ở rau.
Phải mất bao thời gian để có một lứa rau ăn?
- Các loại rau ăn lá, như rau muống chẳng hạn, thời gian từ khi gieo hạt đến khi thu hoạch mất khoảng 17 đến 20 ngày. Với rau cải thường lâu hơn một chút, khoảng 25 -30 ngày. Các loại cây lấy củ như su hào, cà rốt thì mất nhiều thời gian hơn. Tuy nhiên, với mô hình khí canh có thể giúp rút ngắn thời gian thu hoạch so với các phương pháp khác khoảng 30% thời gian.
Đối với các giống rau hay cây cho củ thì tôi ươm hạt ở bên ngoài bằng mút xốp, hạt lớn lên trong từng ô mút xốp được giữ ẩm thường xuyên. Khi cây con có khoảng 4 lá thật thì tiến hành tách từng cây và đặt vào hốc trồng cây. Cũng có thể ươm bằng đất hoặc xơ dừa khi cây có 4 lá thật thì rửa sạch rễ và kẹp mút xốp đặt vào hốc trồng.
Những sản phẩm rau sạch do chính tay anh Bình Sơn trồng được.
|
Với 56 hốc rau, trung bình mỗi lần thu hoạch, một trụ tôi được đến 10kg cả rau và rễ. Thậm chí, rau nhiều quá không ăn hết tôi đem cho người thân, bạn bè, hàng xóm. Tuy nhiên, nếu muốn ăn rải rác, đan xen các loại rau, tôi thường thu hoạch mỗi hốc vài lá là đủ ăn và thu hoạch được nhiều lần trong thời gian dài.
Xin cảm ơn anh! Hy vọng anh sẽ trồng thêm được thật nhiều trụ rau xanh theo mô hình này và tiếp tục “truyền lửa” đam mê trồng rau sân thượng cho nhiều người học hỏi và làm theo!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét